Danh mục sản phẩm
- Sơn và Mực in
- Chất tạo màng
- Hoàn thiện bề mặt kim loại
- Polymer
- Phụ gia thực phẩm
- Hóa dầu
- Thiết bị
- Trang thiết bị y tế
-
Viên gỗ nén
Tìm kiếm sản phẩm
Thực phẩm
Mía đường Nghệ An hội nhập ATIGA
24/01/2019 | 13:55
Năm 2018, ngành sản xuất mía đường Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung đường tăng cao, lượng đường ồ ạt nhập lậu tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ đường của các nhà máy trong tỉnh sản xuất, cùng với đó là sinh kế của người hàng vạn hộ nông dân và người lao động.
Giá đường bán ra ở mức 10.500 đồng/kg tại nhà máy, nên giá mía được thu mua cao nhất tại Nghệ An vụ ép 2018/2019 chỉ 750.000 đồng/tấn, giảm 130.000 đồng/tấn so với vụ ép trước đó, lợi nhuận người trồng mía giảm mạnh.
Để có thể trồng được mía khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hơn ai hết, nông dân Nghệ An đã áp dụng nhiều giải pháp, tiến bộ KHKT, đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng mía.
Cơ cấu giống phù hợp với từng loại đất, chủ động nguồn giống mía sạch bệnh chồi cỏ
Ông Nguyễn Bá Duy ở xóm Tân Phong, xã Nghĩa Thắng, TX Nghĩa Đàn cho biết, vụ ép 2018/2019 diện tích mía ký hợp đồng với Cty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) là 31 ha, năng suất mía trung bình từ 70-80 tấn/ha. Do trồng mía chím sớm QD93-159, đến nay đã thu hoạch và nhập về nhà máy được gần 800 tấn, độ đường bình quân 11,95 CCS. Giá mía kể cả thưởng độ đường hơn 850.000 đồng/tấn. Với vùng đất bãi ven sông, giống mía QD93-159 phát huy hiệu quả tốt nhất.
Theo ông Dương Hồng Hải ở xóm Cát Mộng, xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, trồng mía KK3 đã thu hoạch được 1 ha, năng suất đạt 100 tấn, với đất đồi nghèo dinh dưỡng, giống mía này có nhiều ưu điểm là khả năng tái sinh và lưu gốc rất tốt, không trỗ cờ, bấc ruột, lá mía dễ bong, thuận lợi trong quá trình chăm sóc.
Đến nay, diện tích mía của xóm chủ yếu là các giống mới, trong đó trên 70% là giống mía KK3, nhiều hộ do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất có thể đạt 120-130 tấn/ha. Trồng KK3, nông dân không còn lo lắng mía bị bệnh chồi cỏ như các giống khác, như vậy chu kỳ trồng mía kéo dài, tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân.
Để chủ động nguồn giống mía sạch bệnh chồi cỏ, phục tráng mía giống QD93-159 sau nhiều năm sản xuất, chị Ngô Thị Hoàn ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn đã vận chuyển mía đến công ty để xử lý hom mía bằng nước nóng, loại bỏ các bệnh có trong cây mía, tăng sức khỏe cho cây mía khi trồng. Ngoài được công ty hỗ trợ bằng tiền mặt 4 triệu đồng/ha, còn được hỗ trợ thêm 40 tấn bã mùn để bón lót. Đến thời điểm này, toàn bộ số giống trên ruộng đã được nông dân đặt mua với giá cao hơn mía nguyên liệu 20%, dự tính thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha.
Vụ xuân 2019, nông dân trồng giống mía QD93-159 sạch bệnh sẽ được công ty hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha, khuyến khích nhiều nông dân phục tráng giống mía, chủ động nguồn giống mía sạch cung cấp trên vùng nguyên liệu.
Ông Phan Văn Toản, Giám đốc Khuyến nông NASU chia sẻ, giống mía là tiền đề, cơ sở quan trọng trong đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất mía. Những ruộng được trồng từ hom mía xử lý nước nóng sẽ được công ty công nhận là ruộng nhân giống, có thể xuất bán để trồng nhân nhanh giống trên các ruộng mía thương phẩm gắn với vùng nguyên liệu, giúp nông dân chủ động thời vụ trồng mía trên các ruộng không chủ động nước tưới, giảm chi phí vận chuyển, giá thành mía giống. Thay thế các giống cũ năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh, trỗ cờ như ROC10, My55-14 bằng các giống LK92-11 và KK3 sẽ khắc phục được hiện tượng mía trỗ cờ, ra hoa sớm vào đầu vụ, giảm áp lực cho nông dân và nhà máy.
Đầu tư thâm canh, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất
Từ kết quả phân tích các thành phần hóa học cơ bản đất được lấy mẫu tại từng thửa ruộng, cánh đồng, NASU thông báo đến nông dân, xóm và UBND các xã để nông dân chủ động mua các loại phân bón phù hợp, với chi phí đầu tư thấp nhất, nhưng mang lại hiệu quả cao nhất.
Anh Lô Văn Vinh ở bản Mánh, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp cho biết, năm vừa qua nông dân đã vay gần 60 tấn chất điều hòa pH, bón cải tạo độ chua của đất và bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng như Magie, Silic và nhiều nguyên tố vi lượng thiết yếu cho cây mía, đất đang thiếu hụt, nhưng không được bổ sung qua phân NPK hay các loại phân đơn. Nông dân chỉ vay và đầu tư 700 kg NPK15-5-20/ha, thấp hơn các trươc. Do được mía được bón phân đầy đủ, cân đối các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng nên sâu bệnh giảm, bộ lá mía xanh tốt, không đổ ngã, năng suất đạt từ 80-120 tấn/ha, cao hơn các trước từ 30-40 tấn/ha.
Trồng mía trên đất được chuyển đổi từ trồng cao su sau khi hết chu kỳ kinh doanh, ông Cao Ngọc Danh ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đã áp dụng đồng bộ các biện pháp cơ giới trong tất cả các khâu: làm đất, trồng mía, chăm sóc, xới xáo, phun thuốc BVTV nên chi phí đầu tư giảm 6 triệu đồng/ha, năng suất mía tăng so với làm bằng thủ công 10-20 tấn/ha.
Để khuyến khích nông dân áp dụng cơ giới hóa, đặc biệt là thu hoạch bằng máy; năm 2018, NASU đã đầu tư tiền xây dựng hệ thống bàn lật, tiếp nhận mía được cắt khúc ngắn từ máy thu hoạch .
Theo ông Trần Ngọc Châu, chủ máy thu hoạch mía nhãn hiệu Shaktiman đang dịch vụ nông dân tại xã Nghĩa Hiếu, chiếc máy này có thể thu hoạch trên đất có độ dốc tối đa 7 độ, khoảng cách hàng mía rộng tối thiểu 1,1m. Năng suất máy thu hoạch từ 80-100 tấn/ngày, bằng 100 lao động thủ công. Toàn bộ lá mía trong quá trình thu hoạch được xay nhỏ, trả lại động ruộng, khi phân hủy là nguồn hữu cơ vô cùng quý giá đối với đất. Mía được chặt sát gốc, nơi có độ đường cao nhất, sau khi thu hoạch được vận chuyển ngay về nhà máy đưa vào chế biến, nên tươi, giảm tiêu hao trọng lượng và độ đường, hiệu quả tăng từ 10-15% so với thu hoạch thủ công.
Trong vài năm gần đây, nhà máy đường NASU vận động nông dân trồng mía vùng Phủ Quỳ dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mía lớn, áp dụng đồng bộ các khâu trồng và chăm sóc mía, tiến tới áp dụng thu hoạch mía bằng máy, nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập.
Các giải pháp khoa học kỹ thuật nông dân đang thực hiện trong quá trình trồng mía là tín hiệu vui khi Việt Nam gia nhập ATIGA.
Theo Nông nghiệp