Thực phẩm

M&A lĩnh vực mía đường sẽ nóng hơn trong 2018

01/02/2018 | 10:30
Giới phân tích đưa ra nhận định rằng, trước áp lực cạnh tranh ngày một gay gắt, các doanh nghiệp nhỏ yếu vốn trong lĩnh vực mía đường của Việt Nam có thể sẽ bán lại hoặc sát nhập (M&A) để có thể trụ lại với ngành. Số lượng nhà máy đường sau 2 - 5 năm có thể sẽ thu hẹp còn 1/2 so với hiện nay, nhưng sẽ tạo sức mạnh cho mía đường sau giai đoạn tái cấu trúc cũng như thanh lọc doanh nghiệp trong ngành.

Sức ép M&A thúc đẩy doanh nghiệp yếu

 

Theo các nhà phân tích, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực ngành mía đường trong nước đã thấy được cơ hội và thách thức khi hội nhập như nêu trên, nên đã và đang từng bước thực hiện tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp để phát triển hội nhập, nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành nâng cao khả năng cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm khi hội nhập.

Chẳng hạn, tái cơ cấu sở hữu vốn nhà nước (thoái hết phần vốn nhà nước) như Tổng công ty Mía đường mở rộng công suất, quy mô sản xuất như Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi; đầu tư áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nguyên liệu như Công ty cổ phần Mía đường lam Sơn; tổ chức lại, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hình thành tổng công ty mía đường như Tập đoàn Thành Thành Công…

Tuy nhiên, trong ngành mía đường hiện nay cũng có những doanh nghiệp quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm thấp, sẽ khó tránh được khó khăn nhất định để có thể cạnh tranh tồn tại. Trong quá trình biến đổi nói trên thì sẽ diễn ra việc M&A giữa các doanh nghiệp mía đường, nhất là với các công ty yếu kém là xu hướng tất yếu và bình thường.

Đây là xu hướng tất yếu khi chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên không riêng gì với ngành đường mà hàng hóa của Việt Nam nói chung. Vì rõ ràng, một khi Việt Nam đã hội nhập sâu vào thế giới thì cơ hội và thách thức không nhỏ. Do đó, nếu các doanh nghiệp, nhà sản xuất đường nếu không cố gắng tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh,… thì đương nhiên sẽ khó khăn.

Khi khó khăn đến thì không loại trừ tình trạng M&A và khó tránh việc có những doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có chỉ đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với các cục, vụ của Bộ sớm hoàn thành, trình Bộ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành mía đường trong cơ chế hội nhập để sau 2018 - 2020, ngành mía đường vẫn có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, cuộc sống cho những người trồng mía.

 

Đẩy mạnh hợp tác để nắm phần thắng

 

Tuy nhiên, trong lĩnh vực mía đường, nhiều doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị trước đó, không phải đến tận bây giờ mới bắt tay vào thực thi. Đơn cử như CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) - hai doanh nghiệp mía đường thuộc Tập đoàn TTC đã sớm có phương án sáp nhập. Cái được ở thương vụ sát nhâp BHS đó là sự kết hợp giữa một bên có hệ thống bán lẻ rất tốt, thương hiệu mạnh, trong khi đó SBT có lợi thế về chất lượng theo công nghệ Châu Âu, tập trung khách hàng công nghiệp như bánh kẹo, nước giải khát. Đó là 2 mảnh ghép có thể tạo thêm giá trị gia tăng.

Việc sáp nhập với BHS cũng góp phần nâng tổng thị phần nội địa của SBT với hệ thống bán lẻ gồm 94 nhà phân phối trên 53 tỉnh thành và 20 Brandshop gắn liền với thương hiệu đường Biên Hòa lâu năm. Hậu sáp nhập, SBT tận dụng khách hàng của BHS và ngược lại để bán chéo sản phẩm khi mỗi công ty mạnh về một mảng sản phẩm đường khác nhau. SBT đặt mục tiêu tổng doanh thu niên độ ‎2017 - 2018 hợp nhất đạt 9.900 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 680 tỉ đồng, tỉ lệ trả cổ tức từ 6% - 10% mệnh giá trên vốn điều lệ.

Sau khi sáp nhập BHS và SBT đã có thêm những bước đi mới để gia tăng thế mạnh hơn nữa trong hoạt động phân phối bán lẻ bằng việc ký kết hợp tác với tập đoàn KIDO - một trong những tập đoàn thực phẩm có tiềm lực lớn để mở rộng mạng lưới phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng với hệ thống hơn 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ.

Ngành đường TTC có hơn 200.000 điểm bán trên 63 tỉnh thành toàn quốc. Sự hợp tác này sẽ nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối thêm hơn 400.000 điểm bán và mỗi năm dự kiến doanh thu đường Biên Hòa Daily được phân phối trên các kênh KIDO trong năm 2018 đạt khoảng 60.000 tấn, tương đương 1.100 tỷ đồng. Như vậy ngoài kênh phân phối chủ lực bán sỉ doanh nghiệp truyền thống, TTC đã chú tâm mở rộng đi sâu vào thị trường bán lẻ để tiếp cận khách hàng nhanh hơn so với các sản phẩm khác. Với việc nổi lên là doanh nghiệp đầu ngành mía đường Việt Nam và là đại diện trong nhóm VN30, cổ phiếu SBT trở thành một trong những tâm điểm đầu tư của các quỹ đầu tư lớn.

 

Mục tiêu đưa giá trị vốn hóa SBT lên 850 - 900 triệu USD tương đương với thị giá cổ phiếu 34 - 37 dựa trên những chiến lược kinh doanh bài bản dài hạn của tập đoàn là nằm trong tầm tay năm nay. Bên cạnh thế mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, SBT cũng đẩy mạnh xuất khẩu. Năm tài chính 2017, SBT xuất khẩu được 40 nghìn tấn đường, đóng góp 10 - 15% doanh thu. Công ty đặt mục tiêu niên vụ 2017/2018 xuất khẩu được 100 nghìn tấn đường ra thế giới.

Hiện SBT cũng đã hoàn tất đăng ký nhãn hiệu đường Việt Nam tại hai sàn NewYork (đường thô), London (đường trắng). Theo ước tính của Công ty chứng khoán FPTS, từ năm tài chính 2018-2020, doanh thu xuất khẩu của SBT sẽ chiếm từ 15 - 20% tổng doanh thu của Công ty.

Đánh giá đưa từ các nhà đầu tư, viễn cảnh ngành đường sẽ có sự phân hóa mạnh và các hoạt động M&A sẽ diễn ra trên diện rộng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp lớn như SBT sẽ vẫn có nhiều lợi thế nhờ là doanh nghiệp đầu ngành và được đầu tư bài bản từ đầu. SBT đã liên tục mở rộng quy mô doanh thu bằng M&A và tăng sản lượng đường luyện từ đường thô.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ yếu vốn trong lĩnh vực này có thể sẽ bán lại hoặc sát nhập để có thể trụ lại với ngành. Số lượng nhà máy đường sau 2 - 5 năm có thể sẽ thu hẹp còn 1/2 so với hiện nay. Theo phân tích của SBS, trong ngắn hạn đây là điều khó khăn chung với ngành đường nhưng về cơ bản sau vài năm ngành đường sẽ cơ cấu mạnh và những doanh nghiệp đầu ngành sẽ càng chiếm lĩnh thị phần và có tính cạnh tranh hơn.

A.D-Theo Nhịp sống kinh tế

Bình Luận qua Facebook

2.34890 sec| 3065.172 kb