Phân bón

Thực trạng thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay

08/05/2020 | 14:07

 

Hình minh họa: Phân Kali: Hiện trong nước chưa sản xuất được do nước ta không có mỏ quặng Kali, vì vậy 100% nhu cầu của nước ta phải nhập khẩu từ nước ngoài.

 

I/ Thực trạng thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay

1/ Nhu cầu phân bón

Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900. 000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400 – 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá.

 

2/ Tình hình sản xuất trong nước

Phân Urea, hiện tại năng lực trong nước đến thời điểm hiện tại là 2,340 triệu tấn/năm, bao gồm Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn, Đạm Cà Mau 800.000 tấn, Đạm Hà Bắc 180.000 tấn, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2014, Đạm Hà Bắc nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm, cả nước sẽ có 2,660 triệu tấn/năm. Như vậy, về Urea đến nay, sản xuất trong nước không những phục vụ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn có lượng để xuất khẩu.

 

Phân DAP, hiện sản xuất trong nước tại nhà máy DAP Đình Vũ 330.000 tấn/năm, đến hết 2015 có thêm nhà máy DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm và theo kế hoạch của Thủ tướng từ nay đến hết năm 2015 sẽ có thêm một nhà máy DAP nữa hoặc nâng công suất hiện có của DAP Đình Vũ lên thêm 330.000 tấn/năm. Như vậy sau 2015 sản xuất trong nước có thể đạt tới gần 1 triệu tấn DAP/năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Hiện tại từ nay đến hết năm 2014, chúng ta vẫn phải nhập khẩu DAP thêm từ 500.000 – 600.000 tấn/năm.

 

Phân Lân: Hiện tại Supe Lân sản xuất trong nước có công suất 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm nhà máy Lâm Thao công suất 800.000 tấn/năm, Lào Cai 200.000 tấn/năm và Long Thành 200.000 tấn/năm.

 

Sản xuất Lân nung chảy hiện tại vào khoảng 600.000 tấn/năm bao gồm nhà máy Văn Điển và nhà máy Ninh Bình. Dự kiến tương lai sẽ có thêm khoảng 500.000 tấn/năm của 3 nhà máy mới ( Lào Cai, Thanh Hóa,…)

 

Như vậy sản xuất phân Lân trong nước cũng đáp ứng được về cơ bản cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.

 

Phân NPK: Hiện cả nước có tới cả trăm đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp NPK các loại. Về thiết bị và công nghệ sản xuất cũng có nhiều dạng khác nhau, từ công nghệ cuốc xẻng đảo trộn theo phương thức thủ công bình thường đến các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến. Về quy mô sản xuất tại các đơn vị cũng khác nhau từ vài trăm tấn/năm tới vài trăm ngàn tấn/năm và tổng công suất vào khoảng trtên 3,7 triệu tấn/năm. Nói chung là sản xuất NPK ở Việt Nam vô cùng phong phú cả về thiết bị, công nghệ đến công suất nhà máy. Chính điều này đã dẫn tới sản phẩm NPK ở Việt Nam rất nhiều loại khác nhau cả về chất lượng, số lượng đến hình thức bao gói.

 

Phân Kali: Hiện trong nước chưa sản xuất được do nước ta không có mỏ quặng Kali, vì vậy 100% nhu cầu của nước ta phải nhập khẩu từ nước ngoài.

 

Phân SA: Hiện tại nước ta chưa có nhà máy nào sản xuất SA và nhu cầu của nước ta vẫn phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.

 

Phân Hữu cơ và vi sinh: Hiện tại sản xuất trong nước vào khoảng 400.000 tấn/năm, tương lai nhóm phân bón này vẫn có khả năng phát triển do tác dụng của chúng với cây trồng, làm tơ xốp đất, trong khi đó nguyên liệu được tận dụng từ các loại rác và phế thải cùng than mùn sẵn có ở nước ta.

 

3/ Tình hình nhập khẩu

Theo số liệu thống kê thì nhập khẩu 8 thàng đầu năm 2013 ở nước ta vào khoảng gần 3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó DAP gần 550.000 tấn, Kali trên 560.000 tấn, SA khoảng 750.000 tấn, Urea 420.000 tấn, NPK 350.000 tấn.

 

Về DAP, so với nhu cầu về cơ bản chúng ta đã nhập khẩu đủ cho lượng dùng của cả năm ( SX trong nước 330.000 tấn, nhu cầu cả nước vào khoảng 900.000 tấn/năm). Hiện tại giá DAP Quốc tế đang có xu hướng giảm, nếu các doanh nghiệp không có giải pháp tốt, một lượng DAP giá thấp hơn sẽ tiếp tục chảy về Việt Nam gây thua lỗ cho các doanh nghiệp đã nhập khẩu chờ cung ứng,

 

Về Kali, nhập khẩu còn thiếu so với nhu cầu vào khoảng 400.000 tấn cho năm 2013. Tuy nhiên, hiện tại thị trường Kali trên thế giới đang có nhiều biến động và rất có khả năng gây biến động cho thị trường trong nước cả về mặt giá cả lẫn lượng hàng nhập khẩu vào các tháng cuối của năm 2013, đầu năm 2014.

 

Riêng về SA, lượng nhập khẩu từ đầu năm tới nay là khá lớn (750.000/ nhu cầu 850.000 tấn). Do mất cân đối về cung cầu SA trên thế giới nên từ quý II năm nay đến giờ, giá SA Quốc tế liên tục giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tranh thủ nhập “cứ lô sau giá thấp hơn gỡ cho lô trước giá cao…” đã dẫn tới lượng nhập về cho năm nay là quá nhiều, tính đến thời điểm hiện nay. Kết quả của việc nhập khẩu SA từ đầu năn đến nay của các doanh nghiệp là thua lỗ và hiện tại giá SA Quốc tế vẫn chưa khẳng định được là đã dừng lại. Đây cũng là một bài học cho việc cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam về giá cả trong bối cảnh thị trường Quốc tế có chiều hướng đi xuống.

 

Về Urea, mặc dù lượng sản xuất trong nước không thiếu nhưng do để giá chênh lệch quá lớn giữa Urea sản xuất trong nước và Urea nhập khẩu dẫn tới một lượng khá lớn (420.000 tấn) Urea ngoại được nhập vào Việt nam. Giá thành Urea sản xuất trong nước không biết cao hơn giá Urea nước ngoài sản xuất không, chất lượng không biết cao hơn cỡ nào nhưng giá bán Urea trong nước thời gian qua cao hơn giá Urea ngoại chừng 1,2 – 2 triệu đồng/tấn (60 -100 usd/mt). Đây cũng là một nghịch lý cần phải xem xét đê thị trường phân bón được lành mạnh và người nông dân thực sự có chi phí hợp lý cho giá thành sản phẩm của họ trong sản xuất nông nghiệp.

 

Về NPK, lượng nhập khẩu năm nay đến thời điểm này (350.000 tấn) là khá cao. Hầu hết các loại NPK nhập vào Việt Nam có công thức 16-16-8-13S, 15-15-15, 20-20-0… Do nước ngoài triển khai kênh bán độc quyền và tâm lý sính ngoại của một bộ phận nông dân nên mặc dù chất lượng, hàm lượng hữu hiệu của các loại phân bón này không hơn chất lượng các sản phẩm NPK trong nước nhưng vẫn bán được với giá cao hơn hẳn hàng cùng loại sản xuất trong nước. Hiện tại nguồn NPK sản xuất trong nước khá dồi dào, nhập khẩu NPK ngoại lại tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ… điều này chỉ ra rằng công tác tuyên truyền sản phẩm NPK trong nước, công tác khuyến nông … của chúng ta chưa tốt dẫn tới chi phí SXNN của một bộ phận bà con nông dân bị cao trong khi giá nông sản năm 2013 là chưa cao.

 

4/ Một số tồn tại trong thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay

4.1/ Sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng

 

Do lợi nhuận thu hút, đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng đưa ra thị trường. Phân bón giả là loại sản phẩm không phải là phân bón hoặc không có tên trong danh mục phân bón được lưu thông trên thị trường theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng trên bao gói lại ghi là phân bón loại này, loại khác. Chẳng hạn như dùng gạch non nghiền ra màu đỏ pha trộn với đất sét, đá… giả làm phân Kali, đóng bao ghi là Kali để bán cho nông dân, hay là cát được nhuộm đỏ giả làm Kali đóng bao ghi là Kali 60% K2O bán ra thị trường, hay là sản phẩm có hàm lượng hữu hiệu rất thấp lại đóng trong bao ghi là DAP 18-46-0 bán ra thị trường thu về theo giá cao của mặt hàng DAP… Các sản phẩm này vừa có nguồn gốc ở một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước, vừa xuất hiện ở mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đưa về.

 

Thị trường thời gian qua cũng xuất hiện một số loại phân bón tổng hợp, đặc biệt là NPK với hàm lượng thấp nhưng lại đóng bao ghi các hàm lượng hữu hiệu cao hơn để bán cho nông dân thu tiền với giá cao thì đây chính là loại phân kém chất lượng và về khía cạnh nào đó cũng là loại phân bón giả. Việc làm này là hành vi lừa đảo trục lợi dẫn tới người nông dân bỏ tiền thật mua hàng giả và tất nhiên là chi phí sản xuất nông nghiệp sẽ bị cao…

 

Các hiện tượng này xuất hiện rất nhiều mỗi khi giá phân bón tăng cao, thị trường có những cơn sốt nóng.

 

4.2/ Vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa

Việc ghi các nội dung trên bao bì gần đây cũng có nhiều điều đáng phải quan tâm, đó là việc ghi các dòng chữ Anh trên bao bì có các nội dung là Công nghệ Nhật, Công nghệ Mỹ, chất lượng Mỹ… cụ thể là các dòng chữ “Tecnology of Japan” “ Quality of American”… dễ làm cho nông dân hiểu lầm là sản phẩm của Nhật, của Mỹ… và giá cả của từng sản phẩm có sự khác nhau mà nông dân khó phân biệt.

 

Đặc biệt một số cơ sở còn sử dụng cả công thức hàm lượng hữu hiệu làm tên sản phẩm, như NPK5.10.3 của một đơn vị ở Bắc Giang dễ làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đây là sản phẩm NPK có hàm lượng hữu hiệu là 5-10-3, thực chất NPK5.10.3 có hàm lượng hữu hiệu thấp hơn.

 

Việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu độc quyền trong kinh doanh phân bón cũng đã xuất hiện điều bất cập. Cụ thể Công ty CP Vinacam đăng ký nhãn hiệu “SA” làm nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của Vinacam cũng đã gây nhiều tranh cãi, bới SA là tên của một loại phân bón chung là Amonium Sulphate. Tên SA được cả thế giới dùng gọi tên sản phẩm cho loại phân bón này và nó đã rất thông dụng cho cả các nhà cung ứng và người sử dụng là bà con nông dân. Nay tên sản phẩm này chỉ duy nhất một công ty được dùng làm nhãn hiệu phân bón có lẽ vấn đề này chưa hợp lý và không phù hợp với thông lệ ở Việt Nam cũng như trên Quốc tế.

 

Một số sản phẩm còn thiếu các thông số cần thiết của sản phẩm trên bao bì, thiếu hướng dẫn sử dụng và cảnh báo an toàn…

 

4.3/ Buôn lậu và trốn thuế

Hiện tượng buôn lậu qua biên giới được cho là vẫn tồn tại bởi biên giới Việt Trung dài, các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, hà Giang… đều có hàng chục KM đường bộ, đường thủy… do công tác quản lý chưa được chặt chẽ nên vẫn phát sinh buôn lậu phân bón từ Trung Quốc về Việt Nam. Tình trạng buôn lậu không những trốn thuế làm cho nhà nước thất thu ngân sách mà còn làm cho các nhà kinh doanh chân chính mệt mỏi vì giá cả. Trong buôn lậu không ngoại trừ khả năng mang các hàng hóa không đảm bảo chất lượng vào Vịêt Nam để tiêu thụ gây thiệt hại cho bà con nông dân…

 

4.4/ Một số vi phạm khác

Ngoài các vi phạm trên, thị trường phân bón Việt Nam còn có các vi phạm khác như vi phạm về Đăng ký kinh doanh, vi phạm về Hợp đồng, hóa đơn và vi phạm về giá…

 

5/ Một số kiến nghị

Tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại phân bón để sử dụng có hiệu quả. Khuyên nông dân không nên quá xính ngoại (như việc sử dụng NPK Phi với giá cao hơn hẳn NPK nội cùng loại) hoặc quá xính nội (như việc sử dụng urea nội với giá cao hơn hẳn giá urea ngoại) làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất; Hướng dẫn cho bà con nông dân biết phân biệt phân giả, phân thật và nhận thức về các thông tin ghi trên bao bì.

 

Đẩy mạnh công tác khuyến nông cho bà con nông dân, mở các lớp tập huấn cho các đại lý và hộ nông dân nhằm trang bị những hiểu biết nhất định về việc sử dụng phân bón để bà con nông dân và đại lý biết lựa chọn và sử dụng phân bón có hiệu quả.

 

Rà soát sửa đổi, ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón. Sớm ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn việc sản xuất, kinh doanh phân bón, coi sản xuất kinh doanh phân bón là ngành nghề có điều kiện.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón; Chú ý các điểm bán hàng ở vùng sâu, vùng xa nơi có ít thông tin về phân bón, đồng thời có biện pháp mạnh đối với những người cố tình vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh phân bón; khuyến khích, biểu dương những người làm tốt trong công tác sản xuất kinh doanh phân bón…

Trích từ bài viết của anh Nguyễn Tiến Dũng (Apromaco)

Bình Luận qua Facebook

5.69305 sec| 3100.219 kb